“Gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão nên hay không? Làm như thế là có hiếu hay bất hiếu?…”. Những quan niệm này đang là mâu thuẫn trong xã hội ta hiện nay. Vậy đâu là quan niệm đúng?
1. Quan niệm truyền thống:
Hình ảnh: Youtube
Không phải bàn cãi ta cũng biết được đối với người già – những người theo quan niệm truyền thống thì việc con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Quan niệm này vẫn còn khá nặng trong xã hội Việt Nam hiện tại. Xuất phát từ nếp nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con” và “tuổi già là phải sống quây quần bên con cháu thì mới hạnh phúc”,…cho nên hầu hết người già ở nước ta vẫn chưa chấp nhận được hình thức mới du nhập vào nước ta vài năm gần đây là Viện dưỡng lão.
Hình ảnh: Connect360
- Tình trạng hiện nay:
Điều bất cập là quan niệm thì truyền thống nhưng cuộc sống lại ngày càng hiện đại, phát triển rất nhanh. Cuộc sống hiện đại càng phát triển thì càng tạo cho con người nhiều áp lực và con người không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Vì thế, nhiều người già hiện nay đã và đang phải chịu áp lực :
- Về mặt tâm lý: chịu cảnh buồn chán, trầm cảm vì sống lủi thủi, cô đơn một mình ở nhà do con cháu cũng đang chịu áp lực của vòng quay cuộc sống: đi làm, đi học…Dù muốn họ cũng không có thời gian bên cạnh để trò chuyện chăm sóc
- Về mặt sức khỏe: thực tế là đã không ít trường hợp những người già ở nhà một mình gặp rủi ro, bị ngã bệnh, trượt té và bị tai biến nặng nhưng con cái không kịp có mặt để chăm sóc.
Vẫn để cha mẹ ở nhà, vẫn để họ ở bên cạnh con cái nhưng cũng không thể chăm sóc một cách chu toàn. Như vậy, nếu ta vẫn theo quan niệm truyền thống ấy so với xã hội ngày nay thì liệu có còn phù hợp nữa chăng?
Hình ảnh: Tgpsaigon
- Các dịch vụ của viện dưỡng lão:
Mô hình viện dưỡng lão là một mô hình xây dựng nhằm mục đích cho người già nghỉ dưỡng. Nơi đó, người già sẽ được hưởng các tiện ích như:
- Phòng riêng với đầy đủ tiện nghi
- Được sử dụng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe
- Không gian sống phù hợp cho người già: yên tĩnh, cây xanh, những con đường đi dạo,…
- Những thú vui, sở thích thường có ở người già: chăm sóc cây cảnh, chim thú, khiêu vũ, đánh cờ, yoga,…
- Đặc biệt là họ có nhiều người già bầu bạn, tâm giao không phải chịu cảnh lẫm lũi trầm cảm do ở một mình trong nhà
Rõ ràng, mô hình viện dưỡng lão là một không gian giành cho sự tận hưởng tuổi già, không chỉ đời sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần. Một sự chuyên môn hóa hợp lý trong đời sống hiện đại. Mô hình viện dưỡng lão chắc chắn sẽ ngày càng phát triển rộng ở nước ta để phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay là người già cần được quan tâm chăm sóc hơn về mọi mặt.
Hình ảnh: Vieclamdailoan
- Tình hình thực tế ở Việt Nam về mô hình viện dưỡng lão hiện nay:
- Kết quả cuộc khảo sát nhỏ về chất lượng cuộc sống người cao tuổi của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM gần đây cho thấy: “84,8% người được hỏi hiện đang sinh sống tại các viện dưỡng lão tư nhân hài lòng với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Có đến gần 80% các cụ cảm thấy hài lòng vì họ được quan tâm và chia sẻ từ các cán bộ, điều dưỡng và từ bạn già cùng sinh sống tại đây”. Thực tế này cho thấy nhu cầu mở rộng dịch vụ chăm sóc, tiếp nhận người già ở các viện dưỡng lão tư nhân là cần thiết.
- Chất lượng dịch vụ ở các trung tâm dưỡng lão không phải đồng nhất. Chính điều này làm ảnh hưởng đến mô hình tốt đẹp của viện dưỡng lão
- Chi phí còn rất đắt: trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện tại chi phí chăm sóc người già ở viện dưỡng lão khá đắt. Điều ấy cũng có nghĩa để tận hưởng cuộc sống nghĩ dưỡng thực sự ở viện dưỡng lão là chỉ dành cho các gia đình kinh tế khá giả. Đó cũng là một trở ngại lớn, là sự đắn đo của các gia đình khi phải tốn một khoản chi phí bởi hơn 70% người già ở nước ta đang sống cuộc đời nghèo khổ, vẫn còn phải mưu sinh hằng ngày, thì việc nghĩ dưỡng tuổi già dường như quá xa xỉ. Đây cũng là điều Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển dịch vụ này theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp hóa, giá cả phù hợp.
“Gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão nên hay không?”. Câu hỏi này sẽ dễ trả lời hơn khi mà các viện dưỡng lão chứng minh được tính ưu việt thực sự của nó. Và quan niệm về chữ hiếu hiện đại: làm sao để giúp người già sống vui, sống khỏe và hạnh phúc ở giai đoạn cuối đời?