Sự ra đời của Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam 06/6 hàng năm

1678

Ngày 6 – 6 hàng năm được xem là ngày truyền thống người cao tuổi ở Việt Nam. Hằng năm, cứ đến ngày này thì các cấp, các ngành, các tổ chức và đoàn thể đều chúc mừng và tôn vinh những cống hiến của người cao tuổi trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, những đóng góp to lớn của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế – văn hóa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Quan trọng hơn, đây còn là ngày để các thế hệ trong gia đình, con cháu chúc mừng ông bà, cha mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục các thế hệ.

Vậy ngày truyền thống người cao tuổi xuất phát từ đâu? Có nguồn gốc như thế nào?

Hình ảnh: Thanhxuan

Vào ngày 6 – 6 – 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu của các bậc phụ lão” nhằm kêu gọi tất cả đồng bào dù ở bất kì tầng lớp, giai cấp. độ tuổi nào cùng nhau đoàn kết chống lại bọn đế quốc và bọn Việt gian để bảo vệ quyền lợi dân tộc, đấu tranh giành độc lập.

Trong bài Kính cáo, bác Hồ đã đề cao vai trò của những người cao tuổi, trong đó, bác có viết rằng “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ! Hỡi các bạn sĩ, nông, công, thương, binh!”, người nêu ra những tấm gương anh hùng của dân tộc Việt Nam qua các thời kì và “Mong các ngài noi gương các bậc phụ lão thời Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước”.

Đồng diễn thể dục dưỡng sinh lớn nhất từ trước tới nay

Hình ảnh: Tuoitre

Đáp lại lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh thì đã có hàng chục vạn người cao tuổi đồng lòng tham gia Mặt trận Việt Minh để xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, nuôi giấu cán bộ cách mạng, làm công tác binh vận, làm hậu phương vững chắc, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chính vì những đóng góp to lớn của người cao tuổi đã góp phần thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc được thể hiện qua sự thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.

Hình ảnh: Khanhhoa

Và cũng trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc về sau, người cao tuổi cũng trở thành một trong những bộ phận không thể thiếu, cùng tham gia cách mạng, cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Người cao tuổi còn có những đóng góp rất lớn trong công cuộc đổi mới do Đảng đề ra.

Cũng nhờ những đóng góp to lớn ấy mà các thế hệ người cao tuổi ở Việt Nam xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Và với những cống hiến mà người cao tuổi đã đóng góp thì nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 6 tháng 6 hàng năm làm ngày truyền thống người cao tuổi.

Hình ảnh: Duonglaonhanai

Từ đó đến nay, người cao tuổi tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò của mình và để phát huy vai trò của họ với sự phát triển của xã hội, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật người cao tuổi vào ngày 23 thánh 11 năm 2009. Trong điều 6 của Luật này có ghi rõ “Ngày 6 tháng 6 hàng năm là ngày Người cao tuổi Việt Nam”

Và một trong những điều quan trọng là trong Hiếp pháp ở nước ta đã khẳng định vị trí và vai trò của người cao tuổi. Trong khoản 3 điều 37 Hiến pháp 2013 có qui định “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hằng năm, cứ đến ngày truyền thống người cao tuổi là Trung ương hội người cao tuổi đều chỉ đạo Hội người cao tuổi ở các địa phương tổ chức các hoạt động kỉ niệm thiết thực với các buổi tọa đàm, nói chuyện với người cao tuổi về ý nghĩa, mục đích của ngày này cũng như có các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn trong cuộc sống, sống neo đơn, khuyết tật, … và xây dựng các loại quỹ hỗ trợ người cao tuổi.

Như vậy, có thể thấy, người cao tuổi giữ một vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước nhà, do vậy họ cần được tôn vinh và quan tâm đúng mực.

>> Ngày quốc tế Người cao tuổi ngày 01 tháng 10 hàng năm